Việc trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đặt Việt Nam
Tuyên bố chung nhân ngày Nhân quyền
Nhân dịp hôm nay (09.12.2013) là Ngày Nhân quyền thế giới, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức, Jutta Frasch, và Phó Đại sứ Vương Quốc Anh, Bà Lesley Craig, ra tuyên bố như sau:
’’Việc trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đặt Việt Nam trước một cơ hội lớn đồng thời một trách nhiệm to lớn.’’
Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới. Quyền con người có giá trị chung. Quyền con người có giá trị như nhau đối với tất cả mọi người và là những quyền không thể chia cắt được. Quyền con người được ấn định trong các điều ước quốc tế và các hội đồng như Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc nỗ lực hoạt động nhằm bảo đảm nhân quyền.
Việt Nam đã phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế về nhân quyền - ví dụ như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Cách đây ít tuần lễ Việt Nam đã ký Công ước chống tra tấn và được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc. Qua đó Việt Nam cho thấy rõ, là thành viên của cộng đồng các quốc gia Việt Nam muốn nỗ lực hoạt động bảo đảm nhân quyền.
Rõ ràng Việt Nam đã đạt được kết quả to lớn trong việc thực thi các quyền xã hội và kinh tế. Trong những năm qua hầu như không có một nước nào thành công như Việt Nam trong công tác xóa đói giảm nghèo hoặc xây dựng trường học và bệnh viện.
Nhưng đáng tiếc là tại Việt Nam có những người bị giam giữ vì họ công khai đưa ra chính kiến của mình. Việt Nam phải bảo đảm không hạn chế quyền tự do chính kiến, tự do báo chí và tự do hội họp và phải thả ngay tất cả những người bị giam giữ vì tội đã đưa ra những chính kiến của mình.
Ngoài ra chúng tôi kêu gọi Việt Nam không thi hành tất cả các án tử hình và bãi bỏ án tử hình. Thế kỷ 21 không còn chỗ cho án tử hình nữa!
Việt Nam cũng cần phải thể hiện sự công nhận của mình bằng cách bắt đầu nhiệm kỳ thành viên Hội đồng nhân quyền với việc đưa ra lời mời thường xuyên (“standing invitation”) đối với tất cả các báo váo viên của Liên hiệp quốc. Đức, Vương quốc Anh và nhiều thành viên khác của Hội đồng nhân quyền coi việc tất cả các báo cáo viên của Liên hiệp quốc bất cứ lúc nào cũng có thể trực tiếp đến thu thập tình hình trong nước là điều đương nhiên. Các chuyến thăm của họ sẽ giúp ghi lại một bức tranh khách quan về tình hình nhân quyền tại Việt Nam“.
Thông tin chi tiết:
Ngày 10.12 hàng năm là Ngày Nhân quyền thế giới và là ngày kỷ niệm Bản Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 10.12.1948.
Liên minh châu Âu và các nước thành viên cho rằng có hàng chục tù nhân chính trị tại Việt Nam, đa số bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do chính kiến và tự do hội họp của họ. Các tổ chức phi chính phủ đánh giá thấp Việt Nam trong việc tôn trọng các quyền dân sự và chính trị.
Năm 2012 tổ công tác về các vụ bắt giữ một cách độc đoán do Hội đồng nhân quyền liên hiệp quốc cử ra đã xác định được trong một vụ việc cụ thể là Việt Nam giam giữ một cách độc đoán ba người và đã yêu cầu thả ngay họ (A/HRC/WGAD/2012/42). Cho đến nay ba người này vẫn không được trả tự do và không được bồi thường.
Theo ước tính kkông chính thức hiện nay tại Việt Nam có từ 500 đến 600 người bị tuyên án tử hình.
Liên hiệp quốc đã cử ra những chuyên gia khác nhau (cơ chế đặc biệt - special mechanism) được Liên hiệp quốc ủy quyền tìm hiểu những vấn đề nhân quyền chuyên biệt, ví dụ như báo cáo viên chuyên trách về tự do chính kiến. Các chuyên gia này chỉ có thể thực hiện một chuyến thăm thực địa tại một nước thành viên nếu có lời mời của nước đó. Trong thực thế nhiều nước đã đưa ra lời mời thường xuyên (“standing invitation”) đối với các chuyên gia, có nghĩa là một lời mời có giá trị lâu dài. Cho đến nay Việt Nam chưa đưa ra lời mời thường xuyên “standing invitation” đó.
Updates to this page
Lần cập nhật gần đây nhất 10 December 2013 + show all updates
-
Added translation
-
First published.