Việt Nam - Báo cáo nhân quyền 2014 của Bộ Ngoại giao Anh
Updated 13 March 2015
Trong năm 2014, việc trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và việc tham gia vào tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) đã đem đến cơ hội để Việt Nam thể hiện cam kết cải thiện nhân quyền. Quốc hội đã phê chuẩn hai công ước của Liên Hợp Quốc: Công ước chống tra tấn và Công ước về quyền của người khuyết tật. Việt Nam cũng đạt được một số tiến bộ về các quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGB&T). Tuy nhiên, những mối lo ngại đáng kể vẫn tồn tại trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác của Vương Quốc Anh với Việt Nam: tự do ngôn luận và án tử hình. Sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình tiếp tục cản trở Việt Nam đạt được những tiến bộ thực sự. Các công cụ pháp lý như Điều 79, 88 và 258 của Bộ luật Hình sự đã được sử dụng tùy tiện để hạn chế việc thực hiện các quyền dân sự và chính trị. Chúng tôi khuyến khích chính phủ Việt Nam sớm làm cho các điều luật này và cách áp dụng chúng trở nên phù hợp với hiến pháp mới.
Năm 2014, Việt Nam đã tham gia tiến trình UPR. Việt Nam nhận được 227 khuyến nghị và chấp thuận 182 khuyến nghị, trong đó bao gồm: thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập; công nhận tư cách pháp lý của các tổ chức phi chính phủ và các nhóm xã hội dân sự; và mở rộng không gian hoạt động cho truyền thông phi nhà nước. Việt Nam đã bác bỏ đề xuất của Vương Quốc Anh về việc đưa ra lời mời ngỏ cho tất cả các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc và giảm số lượng tội danh chịu án tử hình cho đến tháng 12 năm 2014. Việc tham gia khá tích cực của Việt Nam vào tiến trình UPR không tương ứng với những nỗ lực của họ để thực hiện các khuyến nghị của tiến trình này. Một số sự kiện đã bị ngăn cản tổ chức, một số đã phải thay đổi địa điểm do áp lực từ phía chính quyền, và những sự kiện khác đã diễn ra mà không có sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước. Vương Quốc Anh đánh giá cao lời mời của Việt Nam dành cho Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, nhưng lo ngại trước sự đe dọa và theo dõi dành cho các cá nhân mà ông đã lên kế hoạch gặp gỡ trong chuyến thăm.
Vương Quốc Anh, cùng hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU) và nhóm các nước đồng chí hướng, đã có một số thành công trong việc vận động Việt Nam thả các tù nhân chính trị, bao gồm những người bảo vệ nhân quyền như Đinh Đăng Định và Cù Huy Hà Vũ. Chúng tôi cũng đã vận động cho việc thả bà Mai Thị Dung vì lý do nhân đạo, nhưng hiện bà vẫn bị giam giữ.
Năm 2015 sẽ bắt đầu bằng Cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam vào tháng 1 và tiếp theo đó là các sự kiện liên quan tới việc thực hiện các khuyến nghị của UPR. Vương Quốc Anh sẽ hợp tác với các cơ quan nhà nước Việt Nam và xã hội dân sự rộng lớn hơn để khuyến khích tranh luận trong công chúng, giới truyền thông và Quốc hội về án tử hình. Đây là một thời điểm tốt để làm việc này bởi Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự.
0.1 Tự do Ngôn luận và Hội họp
Tự do ngôn luận và hội họp tiếp tục là một mối quan ngại lớn. Theo đánh giá của chúng tôi, các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền vẫn tiếp tục bị bắt và kết án vì đã bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa.
Vào tháng 1 năm 2014, ông Đinh Đăng Định đã được thả vì lý do nhân đạo dưới sự vận động của Vương Quốc Anh, EU và các nước đồng chí hướng khác. Cùng các quốc gia thành viên EU khác, Vương Quốc Anh ủng hộ những ý kiến của Phái đoàn EU gửi Bộ Công an Việt Nam về trường hợp của ông Cù Huy Hà Vũ. Chúng tôi tin rằng điều này đã góp phần vào việc ông Vũ được trả tự do vào tháng 4.
Chúng tôi hoan nghênh việc Việt Nam trả tự do cho 12 tù nhân chính trị trong năm 2014, trong đó bao gồm các trường hợp nổi tiếng như blogger Nguyễn Văn Hải, còn được gọi là “Điếu Cày”. Ngay sau khi được thả vào tháng 10, ông đã bị trục xuất sang Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn còn 55 tù nhân trong danh sách “những người cần quan tâm” của EU, với tổng cộng án tù lên đến 295 năm, trong khi việc bắt giữ các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền vẫn tiếp tục. Các blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, còn được gọi là “Anh Ba Sàm”, và Hồng Lê Thọ lần lượt bị bắt giữ vào tháng 5 và tháng 11. Trong tháng 12, hai blogger Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Đình Ngọc bị bắt. Nguyễn Quang Lập, còn được gọi là “Bọ Lập”, là chủ blog “Quê Choa” trong đó có đăng các bài viết chỉ trích chính phủ. Bọ Lập bị bắt theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự quy định “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Những lý do cho việc bắt giữ ông Nguyễn Đình Ngọc, còn được gọi là Nguyễn Ngọc Già, không được công bố, nhưng ông là người đóng góp thường xuyên cho các blog về nhân quyền.
Trong suốt năm qua đã có nhiều ví dụ về sự can thiệp của chính quyền trong các sự kiện UPR do xã hội dân sự tổ chức, những sự kiện có mục tiêu thảo luận Việt Nam cần làm gì để thực hiện các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận. Khách mời bị ngăn cản tham dự một số sự kiện, những người bảo vệ nhân quyền bị quấy rối, và một trong những địa điểm tổ chức đã buộc phải hủy bỏ sự kiện. Một số ví dụ bao gồm những cuộc tấn công riêng rẽ vào hai người bảo vệ nhân quyền trong tháng 5: ông Nguyễn Văn Đài bị ném cốc thủy tinh vào đầu khi ngồi trong một quán cà phê, và bà Trần Thị Nga bị 5 đối tượng dùng gậy sắt tấn công tại Hà Nội. EU đã lên tiếng mạnh mẽ trong cả hai trường hợp, và kết quả là Bộ Công an đã phải vào cuộc tiến hành điều tra.
Vương Quốc Anh đã hỗ trợ một dự án truyền thông của Quỹ Châu Á thông qua Chương trình tài trợ vì quyền con người và dân chủ của Bộ Ngoại giao Anh. Mục đích của dự án này là hỗ trợ tăng cường báo chí điều tra và tranh luận công khai bằng cách thảo luận và giám sát các công trình phát triển cơ sở hạ tầng và tác động của chúng đối với môi trường. Dự án hiện đang ở năm cuối và đã được đưa tin rộng rãi với hơn 100 bài báo trên các phương tiện truyền thông, bao gồm cả tin đưa trên truyền hình quốc gia vào giờ vàng.
0.2 Tiếp cận Công lý và Pháp quyền
Sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình là vấn đề của cả hệ thống pháp luật. Chúng tôi lo ngại rằng nhà nước đang sử dụng tòa án để trừng phạt những người bất đồng chính kiến bằng cách truy tố họ về những vấn đề không liên quan. Ví dụ, trong trường hợp của Lê Quốc Quân, người bị kết án 30 tháng tù giam vì tội trốn thuế và bản án được giữ nguyên trong phiên phúc thẩm vào tháng 2, Vương Quốc Anh nhận định rằng lý do ông bị cầm tù là vì ông đã bày tỏ ý kiến về các vấn đề tôn giáo, tham nhũng và cải cách ruộng đất, và rằng phiên tòa xử ông là không công bằng.
Sau phiên tòa của Lê Quốc Quân, Vương Quốc Anh đã ra tuyên bố yêu cầu Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ đảm bảo tự do ngôn luận trong nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và tiến hành vận động các cơ quan chức năng Việt Nam trong cả năm 2015.
0.3 Án tử hình
Mặc dù chính phủ đã cởi mở hơn trong việc cho phép tranh luận công khai về án tử hình, trong năm 2014 đã không có tiến bộ đáng kể nào trong việc giảm áp dụng hình phạt này tại Việt Nam. Án tử hình tiếp tục được tuyên và thi hành sau khi việc đình chỉ thi hành án trên thực tế bị gỡ bỏ năm 2013. Vương Quốc Anh vẫn lo ngại về phạm vi các tội danh có thể bị kết án tử hình và số lượng án tử hình được áp dụng.
Thông tin chính xác về số lượng án tử hình được thi hành và số tử tù chờ thi hành án vẫn còn ít vì chúng được coi là bí mật quốc gia. Vào đầu năm nay, 30 người đã bị kết án tử hình chỉ trong một phiên tòa về buôn lậu ma túy. Vương Quốc Anh ủng hộ tuyên bố của EU lên án kết cục này và kêu gọi Việt Nam phục hồi việc đình chỉ thi hành án.
Vương Quốc Anh tiếp tục vận động Việt Nam giảm số lượng tội danh có thể bị kết án tử hình. Vào tháng 2, Phó chủ tịch Nhóm nghị sĩ đa đảng phái về xoá bỏ án tử hình, Lord Dubs, đã đến thăm Việt Nam. Ông đã nói chuyện với nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, từ xã hội dân sự cho đến chính phủ, qua đó tạo nên một số cuộc tranh luận sôi nổi về án tử hình và khả năng giảm số lượng tội danh chịu án tử hình. Tháng 9, Vương Quốc Anh tham gia hội thảo về án tử hình với sự có mặt của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các cơ quan nhà nước, bao gồm Quốc hội, và các nhóm xã hội dân sự.
Khả năng xử oan sai đã làm bùng lên tranh luận công khai về án tử hình trong năm 2014. Năm 2008, Hồ Duy Hải bị tuyên án tử hình vì tội giết hai nhân viên bưu điện. Tuy nhiên, những người ủng hộ Hồ Duy Hải khẳng định rằng anh ta vô tội và rằng bằng chứng được đưa ra, bao gồm cả các dấu vân tay tìm thấy tại hiện trường, không đủ để kết luận anh ta là thủ phạm. Vụ án đã nhận được sự quan tâm của truyền thông trong nước như một trường hợp có khả năng xảy ra oan sai khi xử án. Đây là một bước phát triển đáng khích lệ, vì những chủ đề như vậy thường không được thảo luận công khai ở Việt Nam. Vụ án hiện đang được các nhà chức trách Việt Nam xem xét lại.
Trong năm 2015, Việt Nam sẽ sửa đổi Bộ luật Hình sự. Đó là một cơ hội để Việt Nam xem xét lại chính sách áp dụng và số lượng tội danh chịu án tử hình. Vương Quốc Anh và các đối tác quốc tế sẽ tiếp tục vận động cho việc bãi bỏ án tử hình, hoặc ít nhất là việc đình chỉ thi hành án và giảm số lượng tội danh chịu án tử hình.
0.4 Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng
Hầu hết mọi người ở Việt Nam đều có thể thực hành tôn giáo mà họ lựa chọn, hoặc không theo tôn giáo nào. Quyền tự do hội họp hoặc ngôn luận, hay các vấn đề chính trị, chẳng hạn như quyền sử dụng đất, có thể là một nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng giữa một số tổ chức tôn giáo và chính quyền. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại về số lượng ngày càng tăng các thông tin chưa được kiểm chứng về việc các nhóm dân tộc thiểu số theo đạo ở vùng nông thôn bị chính quyền địa phương sách nhiễu.
Lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam để ông Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, đến thăm Việt Nam trong tháng 7 là một động thái đáng hoan nghênh. Ông nhấn mạnh những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong việc đảm bảo cho các nhóm tôn giáo có không gian để thực hành tín ngưỡng của mình. Ông cũng thừa nhận rằng những vấn đề tồn tại thường liên quan đến các lĩnh vực khác [ngoài tôn giáo]. Tuy nhiên, việc các nhà hoạt động mong muốn gặp Báo cáo viên đặc biệt bị đe dọa đã làm gián đoạn chuyến thăm của ông. Điều này có nghĩa là ông đã không thể hoàn thành kế hoạch thăm thực địa tại một số khu vực nhất định để điều tra các thông tin về việc đồng bào dân tộc thiểu số bị gây khó dễ khi thực hành tôn giáo của họ.
Trước khi Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đến Việt Nam, các cán bộ Đại sứ quán Anh đã gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo để thảo luận về các vấn đề ở khu vực nông thôn. Họ sẽ tiếp tục gặp gỡ nhiều nhóm tôn giáo khác nhau như một phần của các hoạt động nhân quyền rộng lớn hơn.
0.5 Quyền của Phụ nữ
Trên nhiều khía cạnh, Việt Nam đã đạt được tiến bộ xuất sắc trong việc thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Tuy nhiên, trong năm 2014, phụ nữ vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị không chính thức hay những bất lợi trong nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, từ sở thích có con trai, việc có ít đại diện hơn trong hệ thống chính trị và quy trình ra quyết định, sự bất bình đẳng trong cơ hội giáo dục và kinh tế, và tỉ lệ bạo lực trên cơ sở giới cao. Vương Quốc Anh đã cung cấp một loạt các hỗ trợ, bao gồm chú trọng tạo công ăn việc làm và hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực.
0.6 Quyền của Người dân tộc thiểu số
Mặc dù thành tích tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong hai thập kỷ qua rất đáng ghi nhận, các nhóm dân tộc thiểu số đã không được hưởng lợi tương ứng. Mặc dù các nhóm này chỉ chiếm chưa đầy 15% dân số nhưng họ chiếm 47% số người nghèo và 68% số người cực nghèo trong năm 2010 - và khoảng cách giữa các nhóm dân tộc thiểu số và nhóm dân tộc đa số tiếp tục mở rộng. Vương Quốc Anh đã coi dân tộc thiểu số là một trọng tâm đặc biệt trong các chương trình phát triển của mình, bao gồm cả những nỗ lực giám sát và nâng cao nhận thức về những thách thức còn tồn tại, cũng như hỗ trợ cho hệ thống giáo dục và trợ giúp xã hội.
0.7 Quyền của người LGB&T (đồng tính, song tính hoặc chuyển giới)
Nhìn chung Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ về quyền của người LGB&T, một xu hướng dường như sẽ tiếp tục trong năm 2015. Mặc dù không cấp phép chính thức, chính quyền đã cho phép sự kiện Gay Pride được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8, cũng như các hoạt động tương tự vào tháng 5 để chào mừng cộng đồng LGB&T trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết về “định hướng tình dục và định dạng giới” tại kỳ họp thứ 27 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 9. Tuy nhiên, họ không thừa nhận việc chung sống đồng giới và cùng giám hộ cho trẻ em trong Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình.
Vương Quốc Anh ủng hộ các hoạt động của xã hội dân sự về quyền của người LGB&T. Các đại diện Đại sứ quán đã tham dự một sự kiện lớn do xã hội dân sự tổ chức tại Hà Nội nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế chống kì thị người đồng tính và chuyển giới. Vương Quốc Anh sẽ tiếp tục khuyến khích Việt Nam cho phép người dân tổ chức các sự kiện và vận động cho việc mở rộng hơn các quyền tự do trong luật.
0.8 Quyền Trẻ em
Xét về khuôn khổ pháp lý, luật Việt Nam đã bao phủ hầu hết các cam kết của một thành viên Công ước về Quyền Trẻ em. Tuy nhiên, việc thực hiện luật vẫn còn yếu. Trong tháng 12, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đệ trình một đề án có mục tiêu nâng cao hiệu quả bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Việt Nam đã tham gia ký vào bản Tuyên bố Hành động của hội nghị thượng đỉnh Chúng tôi Bảo vệ Trẻ em Trực tuyến tại Luân Đôn vào tháng 12, theo đó Việt Nam cam kết phát triển phiên bản riêng của Cơ sở dữ liệu Hình ảnh về Lạm dụng Trẻ em, hoặc đóng góp vào một cơ sở dữ liệu quốc tế, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu do Interpol điều hành.